Top các đầu sách của Haruki Murakami hay nhất mà bạn nên quan tâm
Haruki Murakami là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong và ngoài nước Nhật. Vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, những cuốn sách của Haruki Murakami đã đi sâu vào lòng của độc giả Việt Nam. Bằng lối văn phong độc đáo, ông đã phác họa chân thực những góc khuất của cuộc sống một cách tinh tế nhất.
Top các đầu sách của Haruki Murakami hay nhất
Cùng nhau điểm lại những đầu sách của Haruki Murakami vừa có yếu tố huyền ảo, kỳ bí hòa quyện giữa thực và mơ nhưng vẫn là những góc nhìn rất thực tế đã làm nên tên tuổi của ông.
Rừng Na Uy – cuốn sách của Haruki Murakami
Đứng đầu danh sách những ấn phẩm sách của Haruki Murakami được độc giả săn lùng nhiều nhất phải kể đến Rừng Na Uy. Đây là một trong những quyển sách hay nhất của Haruki Murakami, được mệnh danh là cuốn sách thanh xuân bất diệt. Đây cũng là tác phẩm gây tiếng vang lớn, khắc sâu tên tuổi của ông và ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc thế giới.
Được xuất bản lần đầu ở Nhật Bản năm 1987, Rừng Na Uy thực sự là một cơn sốt với 4 triệu bản sách được bán ra. Người ta cũng thống kê được rằng cứ 7 người Nhật thì có 1 người đã đọc Rừng Na Uy. Ấn phẩm này đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ của văn học vì “đã hai mươi năm nay, Rừng Na Uy luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất” dựa theo tờ Publisher Weekly.
Cuốn sách tựa như một cái nhìn về quá khứ, xoay quanh mối quan hệ bi thảm giữa một người con trai và một cô gái trẻ, xinh đẹp. Cô này gặp vấn đề về tâm thần không ổn định khi cô luôn nghe thấy tiếng gọi của người yêu quá cố. Người con trai đã luôn cố gắng ngăn chặn việc người yêu của mình cứ đi theo những tiếng gọi do cô ấy tự tưởng tượng ra. Rừng Na Uy là bản tái hiện chân thực về cuộc sống của những thanh niên thời bấy giờ. Những trăn trở, suy tư, cảm xúc đến tâm sinh lý của những người trẻ tuổi, đều được miêu tả chân thực.
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Một quyển sách hay của Haruki Murakami không thể bỏ qua chính là Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương.
Tác phẩm là câu chuyện về anh chàng Tazaki Tsukuru. Anh có bốn người bạn thân thời cấp ba. Trong tên của họ đều có Hán tự chỉ những màu sắc khác nhau như “xanh”, “đỏ”, “trắng” và “đen”, chỉ riêng tên Tazaki không mang Hán tự nào có ý chỉ sắc màu. Chính vì vậy, cậu thường cảm thấy lạc lõng và đôi lúc lo lắng về sự khác biệt này. Ngoài ra, cậu còn lo lắng khi cũng chỉ có cậu rời bỏ quê nhà theo học tại một trường đại học ở Tokyo. Rồi một ngày nọ, bốn người bạn năm nào đột ngột tuyên bố chấm dứt tình bạn với cậu, khi ấy cậu 24 tuổi. Điều này khiến Tazaki cảm thấy rất buồn, nó như một nỗi mất mát lớn và khiến cậu dần trở nên cô độc.
Những năm tháng hành hương của Tazaki Tsukuru
Vũng bùn của sự lạc lõng và tuyệt vọng khi mất đi tình bạn như nhấn chìm cậu, vì vậy, suốt những tháng ngày kể từ tháng bảy của năm hai đại học đến tháng một của năm ba, Tazaki “sống mà lúc nào cũng nghĩ đến cái chết”.
Thời gian dần trôi, Tazaki ngày nào nay đã trở thành một kỹ sư thiết kế đường ray xe lửa. Bề ngoài nhìn vào, ai cũng thấy cậu là một người đàn ông thành đạt. Song thực tế, sự “bỏ rơi” của bốn người bạn thân đã để lại trong tâm hồn cậu một vết thương chưa lành sẹo. Khi cậu tâm sự với người mình yêu về những chuyện ngày cũ, về nỗi đau luôn bám lấy mình, cô gái đã khuyến khích cậu phải đối diện với quá khứ của mình một cách thẳng thắn và dũng cảm. Chính vì vậy, Tazaki đã quyết định thực hiện một chuyến “hành hương” mà mục đích chính để tìm căn nguyên cho hành động của những người bạn thân năm nào.
Biên niên ký chim vặn dây cót
Trong những tác phẩm sách của Haruki Murakami, Biên niên ký chim vặn dây cót được xem như bước ngoặt trong sự nghiệp văn học của ông, chính thức đem tên tuổi của Haruki Murakami đến phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới.
Tác phẩm đưa người đọc đến nước Nhật thời hiện đại, là bức tranh với những mảnh ghép bằng thân phận của những con người bé nhỏ, lạ lùng. Đó là câu chuyện về những cô gái nhỏ đang độ tuổi 15, như Kasahara May. Cô gánh trên vai một khoản nợ lớn cho hãng bảo hiểm, không chút do dự, cô liền đi làm gái điếm.
Rồi còn là mảnh ghép cuộc sống của những biểu nghị viên như Wataya Noburu – kẻ có thể leo cao trên nấc thang danh vọng nhờ tài lừa dối đám đông cùng khả năng khơi dậy những bản ngã sa đọa của con người.
Trong bức tranh hỗn độn của cô gái Kasahara May – nữ chính của Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót, Okada Toru là nhân vật có tính cách giản dị, chân thành. Bất thình lình, anh phải đối mặt với sự mất tích vô cớ của người vợ tên Kumiko, chính điều này khơi nguồn cho sự thức tỉnh của Okada, thúc đẩy anh chứng nghiệm lại thế giới tràn đầy cái phi lý chung quanh mình, bằng con mắt bản thể.
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời
Tiểu thuyết Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời được phát hành vào tháng 10 năm 1992 tại Nhật Bản.
Truyện lấy bối cảnh vào thời điểm mà ở Nhật, hầu hết gia đình nào cũng đều sinh hai con trở lên thì trong số đó có ngoại lệ.
Hajime và Shimamoto-san là những đứa con một hiếm hoi, chính vì hoàn cảnh tương đồng nhau nên họ trở thành bạn thân của nhau, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Lên trung học, họ rời xa nhau vì mỗi người một hướng, do khác trường học đã khiến Shimamoto-san phải chuyển nhà. Hajime lúc này gặp và yêu Izumi, nhưng khát khao tình dục đã khiến anh làm tổn thương người con gái ấy. Sau khi chia tay, Hajime vào đại học, sau đó làm việc trong nhà xuất bản cho đến khi gặp và kết hôn với Yukiko ở độ tuổi 30.
Năm 37 tuổi, Hajime và Shimamoto-san gặp lại nhau sau 25 năm xa cách. Lúc này, Hajime đã trở thành một ông chủ quán bar nhạc Jazz có tiếng tại Aoyama, Tokyo. Hai người lần đầu tiên hội ngộ với tư cách là một người đàn ông và một người đàn bà chứ không còn đơn thuần là bạn thuở niên thiếu. Những cảm xúc sâu kín trong Hajime đã được Shimamoto-san khơi lại trong lần gặp gỡ hiếm hoi này. Từ đây, anh đã rơi vào một tình huống khó xử khi phải lựa chọn giữa một gia đình ấm êm và một quá khứ đã xa vời.
Giết chỉ huy đội kỵ sĩ – một trong những cuốn sách hay của Haruki Murakami
Giết chỉ huy đội kỵ sĩ là một trong những quyển sách mới nhất của Haruki Murakami, ra mắt bản tiếng Nhật năm 2017 và bản tiếng Anh năm 2018. Nhà xuất bản tại Nhật cho biết 1,3 triệu bản sách ra mắt trong lần in đầu, đây là một cột mốc đánh dấu sự thành công của tác giả Haruki Murakami.
Bộ tiểu thuyết gồm hai phần: phần một có tên gọi là The Idea Made Visible (tạm dịch: Ý tưởng mới xuất hiện) và phần hai là The Shifting Metaphor (tạm dịch: Phép ẩn dụ dịch chuyển).
Khi đọc quyển sách này, bạn sẽ cùng với nhân vật “Tôi” đồng hành trên cuộc hành trình tìm lại hạnh phúc. Câu chuyện kể về một chàng họa sĩ đã bị người vợ yêu quý của mình đơn phương ly hôn. Cùng với sự cô đơn và buồn tẻ, anh đến ở nhà của một nghệ sĩ nổi tiếng. Tại đây, anh phát hiện một bức họa bí ẩn trên tầng gác mái có cùng tên với nhan đề của quyển tiểu thuyết. Từ đó, một chuỗi sự việc kỳ bí đã xảy ra, dẫn dụ nhân vật “Tôi” bước vào cuộc hành trình đầy phiêu lưu. Cuốn tiểu thuyết đầy ám ảnh nhưng vẫn thể hiện được từng tầng ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm cho bạn đọc.
Những câu chuyện của Haruki Murakami luôn mang những phong cách và màu sắc đa dạng. Bài viết trên đây đã tổng hợp những quyển sách hay của Haruki Murakami mà được người đọc đánh giá rất cao, mong các bạn có thể thưởng thức những tác phẩm quý giá này.
Post a Comment